XD05BTL - Những năm tháng ở giảng đường BKU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Những vấn đề xung quanh công trình ngầm đô thị

Go down

Những vấn đề xung quanh công trình ngầm đô thị Empty Những vấn đề xung quanh công trình ngầm đô thị

Bài gửi by hitman17528 Sun Oct 05, 2008 3:55 pm

Những vấn đề xung quanh công trình ngầm đô thị. [28/9/08]
Tác giả đề cập đến một trong những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam: đó là về Hộp kỹ thuật trong công trình ngầm đô thị.

NHỮNG VẤN ĐỀ XUNG QUANH

CÔNG TRÌNH NGẦM ĐÔ THỊ

Hiện trạng: Nổi khổ chẳng của riêng ai

Quy hoạch một đô thị hiện đại tất yếu phải nhìn đến hệ thống công trình ngầm, trong đó có giao thông ngầm và không gian ngầm. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng còn mới mẻ trong nhận thức của nhiều nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà đầu tư phát triển đô thị và cộng đồng dân cư đô thị Việt Nam. Tôi mới nhận được thư mời tham gia viết tham luận cho Hội thảo “Những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về công trình ngầm đô thị” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam- Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM, Tạp chí Người đô thị, Tập đoàn APAVE Việt Nam và Đông Nam Á, và Công ty CP VINCOM sẽ tổ chức vào ngày 22/10/2008. Ngoài kiến thức và kinh nghiệm của người làm công tác quy hoạch đã có nhiều năm làm việc ở nước ngoài, tôi đã dành thời gian đi thực tế, tìm hiểu các công trình ngầm, các “lô cốt” đang quây làm tắc nghẽn giao thông, gây trở ngại trong sinh hoạt và đời sống của nhân dân TP.HCM để minh họa cho bài tham luận này một cách khách quan và khoa học.

Công luận đã đề cập nhiều đến sự tắc trách của một số nhà thầu thiếu năng lực như thiết bị, nhân lực, trình độ công nghệ, khả năng quản lý và tổ chức… nên thi công cầm chừng gây bức xúc trong người dân. Từng ấy nguyên nhân trên là đúng nhưng thực ra chưa đủ. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến nguyên nhân liên quan đến các thủ tục hành chính đã góp phần không nhỏ vào sự trì trệ nói trên để rút ra bài học trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện ở cấp quản lý toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng ngầm của một đô thị hiện đại. Trong quá trình thi công các dự án nâng cấp đô thị, các nhà thầu phát hiện rất nhiều công trình ngầm và cần phải nhờ đơn vị chủ quản di dời các công trình này để có chỗ lắp đặt hạng mục mới như cống thoát nước thải. Vấn nạn trong việc di dời công trình công ích đã tồn tại trong một thời gian dài, nhưng chưa tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp. Người dân không hiểu rằng chỉ một cái ống nhỏ là đủ “ách” lại công việc “hàng tháng trời”, trong khi nhà thầu phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu ai là đơn vị chủ quản cái ống này, rồi liên lạc với đúng đơn vị chủ quản đó (ví dụ, với cấp nước thì phải đúng xí nghiệp hoặc công ty chứ nếu liên lạc với tổng công ty thì không ăn thua!), rồi đơn vị chủ quản phải làm nhiều thủ tục trước khi thực sự di dời được công trình của mình. Cho nên có khi người dân thấy công trường đã có hàng rào nhưng công việc chỉ lai rai cầm chừng mà không hiểu hết những nỗi khổ hiện ở bên trong (lòng người) và những khó khăn đang nằm bên dưới (lòng đất)!

Các Nhà thầu phải cố gắng liên hệ và ký hợp đồng với các công ty công ích nhằm di dời các công trình thuộc quyền quản lý của họ. Nhiều khi các Nhà thầu phải chờ một thời gian rất dài để thực hiện một công tác di dời rất đơn giản. Trong nhiều trường hợp, phải tùy thuộc vào sự hỗ trợ của các công ty công ích. Trong khi đó, nghe nói Sở Giao thông Vận tải TP.HCM có thành lập một “Tổ công tác di dời công trình công ích”, nhưng chưa thấy hành động một cách hiệu quả. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, việc di dời công trình công ích có thể trở thành trở ngại nghiêm trọng gây chậm trễ cho dự án, sẽ dẫn đến các Nhà thầu không thể hoàn tất công trình trước ngày vốn vay hết hạn. Khi đó, chính Thành phố sẽ phải chịu một gánh nặng về tài chính để hoàn thành Dự án.

Cần có những biện pháp nhanh gọn hơn thông lệ, có thể là một sự đột phá về thủ tục, để hỗ trợ các Nhà thầu hiệu quả hơn. Trước hết, các công ty công ích cần phối hợp với dự án chặt chẽ hơn, cũng là phục vụ cho Thành phố bằng cách giảm gánh nặng tài chính cho Thành phố về sau. Nếu không có biện pháp giải quyết thích hợp cho vấn đề này, nhiều dự án vốn vay ODA sẽ khó mà mang lại thành công! Vấn đề đáng buồn là thất bại đôi khi không phải do thiếu nhân sự, thiếu tiền hoặc thiếu biện pháp kỹ thuật, mà do thiếu sự cố gắng phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm. Bài toán quản lý liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm và quyền hạn cần được làm rõ một cách công khai, minh bạch để giải quyết vấn nạn này.

Ngoài ra, các đơn vị chủ quản cần nhận ra rằng nhờ việc di dời mà họ có cơ hội nắm bắt vị trí chính xác công trình của mình, (như ngành nước không nắm bắt hết hướng tuyến chính xác các đường ống cấp nước chính, mà chỉ biết là “nó ở trên con đường đó”!?) Các đơn vị chủ quản cũng có cơ hội dỡ bỏ một số công trình không còn được sử dụng nữa và có thể nâng cấp công trình trong quá trình di dời. Nhờ những việc này, các công trình ngầm trở nên có chất lượng hơn, và nói chung hệ thống ống và cáp dưới lòng đất đỡ rối rắm hơn.

Hộp kỹ thuật: Giải pháp cho tương lai

Có một điều khá tiếc nuối xảy ra gần đây trong một dự án trọng điểm ở một thành phố lớn của Việt Nam là một con đường nối trung tâm thành phố với sân bay quốc tế được mở rộng cho khang trang. Bên trên và bên dưới con đường là vô số công trình tiện ích như cáp điện, cáp điện thoại, cáp TV, cáp chiếu sáng, cáp viễn thông quân đội, công an, ống nước, cống nước thải... Nhiều đường cáp chạy chằng chịt rối rắm cả trên không lẫn dưới đất. Trong khi chuẩn bị dự án, đã có ý kiến thi công hộp kỹ thuật ngầm dưới mặt đường mới để gom lại và chứa các công trình tiện ích nói trên, có thể chỉ ngoại trừ cống nước thải do kích thước quá to. Ý kiến này được bàn qua, bàn lại, tư vấn nước ngoài được hỏi han, rồi cuối cùng... không được thực hiện! Nghe nói là không có thời gian để triển khai, trong khi thời gian thì có nhiều nhưng được dùng vào việc suy nghĩ dùng dằng chứ không phải để quyết đoán. Đây là điều thật đáng tiếc vì cơ hội quý báu đã qua đi, khi con đường ấy được mở rộng thì không còn có cơ hội nào để đặt hộp kỹ thuật được nữa. Trên không và dưới mặt đất vẫn là những đường cáp chạy chằng chịt, chỉ có điều là đã được di dời (với chi phí không nhỏ) từ lề đường cũ hẹp sang lề đường mới rộng hơn. Đây là bài học không phải chỉ liên quan đến kỹ thuật, quản lý mà còn thể hiện tầm nhìn chưa theo kịp cuộc sống của đô thị hiện đại.

Nếu tiếc nuối thì còn có tiếc nuối hơn nữa ở một số dự án mở rộng đường đô thị, một hàng cột điện cao thế chạy dọc dài trên hành lang thảm cỏ ngăn hai chiều con đường. Trong khi cáp điện cao thế cần đến hàng cột thép đồ sộ, chiếm nhiều không gian và gây phản cảm cho mỹ quan đô thị, thì cùng cáp điện ấy có thể thu gọn trong hộp kỹ thuật đặt ngầm. Khoảng không gian phía trên vừa tạo mỹ quan vì có thể trồng thêm cây cảnh, mà về sau có thể thi công đường sắt trên cao mà không cần phải giải tỏa nhà cửa. Đấy là cách nhiều thành phố các nước (như ở Bangkok) đã làm: chừa một khoảng xanh giữa các trục đường chính để sau này xây đường sắt hoặc đường ô tô trên cao. Nhờ đó mà các tuyến đường sắt ở Bangkok có thể được thi công rất nhanh chóng và đỡ tốn kém do đền bù giải tỏa. Cũng nhờ đó mà một đường cao tốc 6 làn xe nối Bangkok với Pattaya (khoảng cách tương đương TP.HCM–Vũng Tàu) được thi công rất chóng vánh trên khoảng xanh có sẵn ở giữa con xa lộ hiện hữu.

Riêng khu đô thị Phú Mỹ Hưng thì các công trình công ích được ngầm hóa, phải công nhận là do thuận lợi vì khu đô thị mới này được xây dựng trên vùng đất hoang, không có các công trình hiện hữu nên dễ thi công hơn.

Hộp kỹ thuật loại nhỏ, chứa một loại cáp
giống nhau

Hộp kỹ thuật là gì? Với hộp lớn thì thường được thi công bằng bê tông cốt sắt, tương tự cống hộp nhưng phải đảm bảo chắc chắn, kín nước để chứa các công trình công ích khác nhau. Với hộp nhỏ, được chứa cùng một loại công trình công ích, như cáp điện thoại, hoặc cáp điện... của cùng cơ quan chủ quản. Một hộp kỹ thuật lớn có thể được thi công và quản lý bởi một ban, ngành thành phố (ví dụ: Sở Giao thông Vận tải), theo kích thước dự trù cho việc đưa vào thêm công trình công ích trong tương lai. Khi một đơn vị (như cáp TV) muốn triển khai công trình của họ trên tuyến đường đã có sẵn hộp kỹ thuật lớn thì họ bắt buộc phải đặt công trình trong hộp kỹ thuật, và thành phố có thể thu phí (giống như phí sử dụng đất hoặc cho thuê mặt bằng). Hai bên cùng hưởng lợi: thành phố được mỹ quan và có thể thu hồi chi phí (không đến mức có lãi, nhưng hạ chi phí xuống mức khá phải chăng), còn đơn vị kia cũng giảm chi phí đi dây, lắp đặt đường ống.

Để thực hiện được hộp kỹ thuật thì cần có quy định bắt buộc các đơn vị phải sử dụng, phải đóng phí... (sử dụng tài nguyên hạ tầng), và cần có cơ quan cầm chịch để điều phối và chỉ đạo các đơn vị (kể cả các đơn vị công an và quân đội vốn rất khó cho các ban ngành thành phố chỉ đạo!).

Về mặt kỹ thuật, nếu trong nước chưa nắm bắt được thì có thể giao cho tư vấn và nước ngoài thi công và khai thác, tương tự như thi công và khai thác thu phí cầu đường. Rất tiếc, trong ví dụ nêu ở đầu bài viết này, thành phố đã không mạnh dạn giao việc cho tư vấn nước ngoài. Nếu lo lắng về an ninh, sợ lộ bí mật thì có thể yêu cầu thuê nước ngoài chuyển giao công nghệ, đào tạo, kiểm tra tại hiện trường, riêng các khâu lắp đặt “nhạy cảm” có thể do người trong nước phụ trách.

Ngoài phần ngầm, hộp kỹ thuật còn có những phần lộ thiên dọc dài theo đường tuyến, có chức năng tương tự như các hố ga dọc đường cống nước thải. Đó là các hộp chứa các mối nối, bộ phận duy tu bảo dưỡng... (Hiện ngành bưu điện đã có nhiều hộp loại này, nhưng có kích thước nhỏ vì chỉ phục vụ cáp điện thoại). Một số thành phố tổ chức cuộc thi vẽ tranh bên ngoài các hộp lộ thiên này để tuyên truyền cổ động cho mục đích, đề tài nào đó, nhưng chủ yếu là tạo mỹ quan đô thị. Tối thiểu thì có thể trồng hoa cảnh chung quanh các hộp lộ thiên này.




Thi công hộp kỹ thuật cho cáp điện. Phải: hộp lộ thiên được tô vẽ để làm đẹp đô thị, Tp Brisbane, Úc.

Hộp kỹ thuật là giải pháp cần được xem xét một cách nghiêm túc khi thi công mới hoặc cải tạo những tuyến đường trọng điểm mà sự tiện ích và mỹ quan đô thị được đặt lên hàng đầu. Đó chính là những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về công trình ngầm đô thị.

www.vncold.vn
TS. Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam
hitman17528
hitman17528
Quản lý forum
Quản lý forum

Nam
Tổng số bài gửi : 447
Age : 36
Đến từ : HCMUT,K2005 WRE Class
Nghề nghiệp : Student
Registration date : 21/01/2008

http://360.yahoo.com/hitman17528

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết